Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 43

    Đã truy cập: 640485

Cơ cấu tổ chức

Cơ sở pháp lý:

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019.

Trước khi phân tích các quy định của pháp luật về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã, tác giả cung cấp khái niệm về Ủy ban nhân dân cấp xã, dựa trên khái niệm về Ủy ban nhân dân được quy định tại Khoản 1, Điều 114 Hiến pháp năm 2013: “Ủy ban nhân dân ở cấp xã do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.”

1. Quy định về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân xã?

Trên cơ sở của Khoản 12 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019, đã xác định cơ cấu của Ủy ban nhân dân xã gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an.

– Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là người đứng đầu, lãnh đạo và điều hành hoạt động của Ủy ban nhân dân xã. Thông qua vai trò điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân mà hoạt động của Ủy ban nhân dân xã được thông suốt.

– Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân được Chủ tịch Ủy ban phân công phụ trách công việc nhất định, chịu trách nhiệm cá nhân về phần công việc được giao. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân cấp cấp xã phải điều hành công việc mang tính chất thường xuyên, trực tiếp giải quyết mọi vấn đề liên quan đến mọi mặt của cuộc sống nên khối lượng công việc và áp lực công việc là rất lớn.

– Ủy viên của Ủy ban nhân dân là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân. Cấp xã có 02 ủy viên là 01 ủy viên phụ trách quân sự và 01 ủy viên phụ trách công an. Ủy viên chịu trách nhiệm cá nhân về lĩnh vực được phân công trước chủ tịch Ủy ban nhân dân và cùng với tập thể Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm về hoạt động của Ủy ban nhân dân trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên.

Ủy ban nhân dân xã không có các cơ cấu trực thuộc mà chỉ có các chức danh chuyên trách các mảng công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã. Cụ thể bao gồm các mảng công việc với các chức danh chuyên trách tương ứng: Công an, quân sự, văn phòng- thống kê, địa chính- xây dựng- đô thị- môi trường, tài chính- kế toán, tư pháp- hộ tịch, văn hóa- xã hội.

Cũng theo quy định tại Khoản 12 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019:  “Ủy ban nhân dân xã loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; xã loại III có một Phó Chủ tịch.“. Việc xác định đơn vị hành chính xã ở nông thôn với phường và thị trấn của đô thị dựa theo tiêu chí cụ thể; đồng thời phân loại đơn vị hành chính phải dựa theo quy định cụ thể tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH. Như vậy, pháp luật hiện hành bước đầu về cơ cấu thành phần đã có sự phân biệt khác nhau giữa địa bàn nông thôn với địa bàn đô thị về tổ chức bổ máy của Ủy ban nhân dân cấp xã qua cách tính toán số lượng phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cho từng đơn vị.

 

2. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã?

Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan hành chính nhà nước cấp thấp nhất. Vì vậy, nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban nhân dân xã khá ít so với các cơ quan hành chính cấp trên, bởi phạm vi quản lý của cơ quan này hẹp hơn. Theo quy định tại Điều 25 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Ủy ban nhân dân xã có 03 nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Thứ nhất, xây dựng, trình Hội đồng nhân dân xã quyết định các nội dung quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 33 của Luật này và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã.

Nội dung cụ thể mà Ủy ban nhân dân xã phải thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Tổ chức chính quyền địa phương bao gồm:

– Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân xã nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã; (Khoản 1)

– Biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn xã; (Khoản 2)

– Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của xã trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách xã; điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách xã. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền. (Khoản 4, đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 11 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019).

Với tư cách là cơ quan gắn liền với Hội đồng nhân dân cấp xã, thực hiện các hoạt động dựa trên quy định của pháp luật và sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phải là chủ thể có trách nhiệm xây dựng và trình các văn bản quan trọng để hỗ trợ cho Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này. Thực tế, đây là nhiệm vụ, quyền hạn thể hiện rõ nhất mối quan hệ giữa Ủy ban và Hội đồng nhân dân để tạo nên một chính quyền địa phương ở cấp xã hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, tổ chức thực hiện ngân sách địa phương.

Theo giải thích tại Khoản 13, Điều 4 Luật Ngân sách nhà nước 2015: “Ngân sách địa phương là các khoản thu ngân sách nhà nước phân cấp cho cấp địa phương hưởng, thu bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương và các khoản chi ngân sách nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của cấp địa phương.“. Việc tổ chức thực hiện phải đảm bảo các hoạt động thu chi theo đúng dự toán và chỉ thực hiện trong phạm vi địa giới hành chính mà Ủy ban nhân dân xã quản lý.

Đây cũng là nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Ủy ban nhân dân các cấp, phù hợp với địa vị pháp lý mà cơ quan được pháp luật trao cho.

Thứ ba, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân xã.

Theo quy định của luật tổ chức chính quyền địa phương thì việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật; chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền. Pháp luật quy định cơ quan nhà nước cấp trên căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể khác của địa phương, mà các cơ quan này được quyền phân cấp việc thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương ở cấp dưới, mà cụ thể trong trường hợp này là Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện. Tuy nhiên, việc phân cấp này phải đảm bảo không vi phạm quy định về các trường hợp được phân cấp và tuân thủ quy định điều điều kiện của được phân cấp cho cơ quan nhà nước cấp dưới theo Luật định. 

Về ủy quyền, Luật quy định trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản do Ủy ban nhân dân cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Chính vì vậy, mà có quy định về “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền”.

Có thể thấy rằng, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã đã có những thay đổi nhất định phù hợp với tiến trình và đòi hỏi trong sự phát triển của chính quyền địa phương. Các quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng Ủy ban nhân dân xã trở thành cầu nối kết nối giữa trung ương và địa phương, giữa nhà nước và người dân một cách chặt chẽ, hiệu quả và tối ưu hóa chính sách của Đảng.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TIÊN TRANG - HUYỆN QUẢNG XƯƠNG

Chịu trách nhiệm: Trần Phú Dũng - Mai Thị Xoan

Địa chỉ: xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại:0912300128; email: tientrang.quangxuong@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa